Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010

Tác Dụng Của Xoa Bóp Đối Với Người Cao Tuổi

Xem hình

Xoa bóp có lợi đối với mọi lứa tuổi. Đối với những người tuổi trung niên và đứng tuổi, giá trị của XB là ở cỗ nó tác động tốt đối với những chức năng hoạt động sống đã bị yếu đi do tuổi tác.
Tác dụng của xoa bóp

Xoa bóp có tác dụng về nhiều mặt. Thí dụ bằng cách cải thiện dinh dưỡng của các cơ, thúc đẩy nhanh sự đào thải của các sản phẩm phân hủy, xoa bóp đặc biệt là xoa bóp sâu có tác dụng nâng cao độ co giãn của các cơ. Do tác động của xoa bóp, khả năng hoạt động của các cơ đã bị mệt mỏi được hồi phục nhanh hơn so với trong điều kiện hoàn toàn yên tĩnh. Bằng các thủ thuật xoa bóp khác nhau, có thể tác động đến hệ thần kinh theo nhiều hướng. Thí dụ, các động tác day có tác động kích thích, còn các động tác xoa có tác dụng làm dịu thần kinh theo nhiều hướng.

. Ngoài ra, xoa bóp còn tạo ra cảm giác dễ chịu. xoa bóp làm đẩy nhanh sự di chuyển máu và bạch huyết, tăng cường chức năng các tuyến mồ hôi, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Hưng phấn (xung động) xuất hiện ở trong da và cơ khi xoa bóp theo các dây thần kinh đưa tới vỏ đại não và tác động vào hệ thần kinh trung ương. Kết quả là tác động tốt hơn đến các cơ quan chức năng như hệ tiêu hóa, hô hấp và tim mạch. Mạch máu được mở rộng do ảnh hưởng của xoa bóp sẽ thúc đẩy sự di chuyển của máu trong hệ tuần hoàn.

Các thủ pháp xoa bóp

Vuốt: được tiến hành bằng đầu ngón tay, gan bàn tay, cùi tay trên bề mặt da. Động tác xoa vuốt được làm liên tục theo chiều dọc từ khớp nọ đến khớp kia.

Xát: cũng như vuốt nhưng tay đè mạnh lên da hơn.

Bóp: là thủ pháp dùng các ngón tay nắm, kéo và ấn nhẹ cơ, nhẹ nhàng mềm mại di chuyển dần dần các ngón tay từ đầu này đến đầu kia của cơ. Bóp có tác dụng sâu đến phần được xoa bóp hơn.

Vỗ, chặt: được thực hiện bằng gan bàn tay hơi cong lại hoặc bằng cạnh bàn tay.

Rung, lắc: được thực hiện ở tay, chân khi cơ bị mất trương lực.

Nguyên tắc khi xoa bóp

Tự xoa bóp trong khoảng 10-15 phút sau thể dục buổi sáng hay sau khi đi dạo là tốt nhất. Nguyên tắc chung khi xoa bóp là những cơ, nhóm cơ, những dây chằng các khớp cần được thả lỏng. Nếu không, xoa bóp sẽ không có tác dụng. Cũng đừng quên rằng, xoa bóp và tự xoa bóp phải bằng hai bàn tay sạch và tiến hành trên bề mặt da sạch. Không được tiến hành xoa bóp khi cơ thể bị viêm nhiễm cấp tính, bị áp-xe, bị nhọt, chàm, phát ban… Móng tay người xoa bóp cần được cắt ngắn sạch sẽ. Không xoa bóp làm đau, gây đỏ, tím, hoặc làm xuất huyết dưới da.

Một số tư thế khi tự tiến hành xoa bóp

Tư thế 1: ngồi trên giường, tựa thoải mái, hai chân hơi co và thả lỏng. Ở tư thế này có thể vuốt, xát các ngón chân, khớp cổ chân, gân A-sin. Vuốt, xát, bóp, rung cơ bắp chân và các cơ ở mặt trước cẳng chân, khớp gối.

Tư thế 2: ngồi trên giường, chân được xoa bóp hơi co, còn chân kia thả xuống sàn, có thể vuốt, xát, bóp, rung các cơ ở mặt trước và trong đùi.

Tư thế 3: nằm nghiêng, có thể vuốt, xát, bóp, vỗ, lắc mặt ngoài đùi.

Tư thế 4: đứng dồn sức nặng sang một chân để được xoa bóp thả lỏng. Có thể tiến hành vuốt, xát, bóp, vỗ cơ mông.

Tư thế 5: đứng bằng hai chân, dùng gan bàn tay sau đó là mu các ngón tay để vuốt, xát vùng thắt lưng, các khớp và cơ của lưng.

Tư thế 6: nằm, có thể vuốt, xát, bóp, các cơ của ngực, các cơ liên sườn, vuốt bụng theo chiều kim đồng hồ.

Tư thế 7: ngồi trên giường, chân co ở khớp gối, đặt cẳng tay lên đùi (tay trái lên đùi trái) hoặc ngồi sau bàn tay thoải mái ở phía trước. Có thể vuốt, xát, bóp các ngón tay, gan bàn tay, khớp cổ tay, cơ vai và gáy.

BS. Trọng Nghĩa - SKDS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét